Thủ Tục Xác Nhận Có Gốc Việt Nam

Thủ tục xin giấy xác nhận có gốc Việt Nam

Theo Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BKH-BTP-BNG-BCA ngày 25/5/2005, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận có gốc Việt Nam gồm:

- Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

- Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cha đẻ, mẹ đẻ hoặc ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của người xin xác nhận đã sinh ra ở đó; hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người xin xác nhận đã từng sinh sống.

Người có yêu cầu cần nộp đơn đề nghị (theo mẫu do một trong các cơ quan nói trên phát) cùng với hộ chiếu nước ngoài hợp lệ hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu. Kèm theo đơn là các giấy tờ sau đây (kể cả giấy do chính quyền cũ cấp trước ngày 30/4/1975):

- Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại hoặc bà ngoại; trong trường hợp những người này đã mất quốc tịch Việt Nam thì cần phải có Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam.

- Giấy tờ chứng minh người làm đơn là con đẻ, cháu nội hoặc cháu ngoại của những người kể trên.

Trong trường hợp người xin xác nhận có gốc Việt Nam không còn giữ giấy tờ liên quan đến gốc Việt Nam thì có thể thay thế bằng các giấy tờ sau:

- Nếu đang ở nước ngoài và làm thủ tục xác nhận có gốc Việt Nam tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thì người xin xác nhận cần phải có: Bản lý lịch tự thuật của người đề nghị cấp giấy xác nhận từ thời gian trước cho đến thời điểm xin xác nhận có gốc Việt Nam; Giấy của tập thể cộng đồng người Việt Nam ở địa phương người đó sinh sống xác nhận là có quan hệ huyết thống với người đang có hoặc đã có quốc tịch Việt Nam (có thể là Hội người Việt Nam có quan hệ với các tổ chức, cơ quan hợp pháp trong nước hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước đó).

- Nếu làm thủ tục xin xác nhận có gốc Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền ở trong nước thì người xin xác nhận cần phải có: Bản lý lịch tự thuật của người đề nghị cấp Giấy xác nhận từ thời gian trước cho đến thời điểm xin xác nhận có gốc Việt Nam; Văn bản của ít nhất hai công dân Việt Nam thường trú ở trong nước có năng lực hành vi dân sự đầy đủ xác nhận đương sự có quan hệ huyết thống với người có quốc tịch Việt Nam hoặc với người đã từng có quốc tịch Việt Nam - giấy xác nhận phải ghi rõ họ, tên của người được xác nhận và những người làm giấy xác nhận; việc ký giấy xác nhận được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và được cơ quan đó xác nhận chữ ký của người làm chứng (Ủy ban nhân dân phường, xã nơi người ký giấy thường trú).

Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và cấp Giấy xác nhận có gốc Việt Nam; nếu từ chối cấp thì cơ quan đó cũng sẽ trả lời bằng văn bản cho đương sự biết.

Lưu ý: đương sự có thể cung cấp thêm cho cơ quan có thẩm quyền một trong các loại giấy tờ sau (kể cả Giấy do chính quyền cũ cấp trước ngày 30/4/1975) để làm cơ sở cho yêu cầu của mình: bản sao chứng minh thư nhân dân; bản sao thẻ căn cước; bản sao sổ đăng ký hộ khẩu (hoặc sổ gia đình, tờ khai gia đình); bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật tốt nhất.

Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của Trí Tuệ Luật ”

Đọc thêm...