Xóa án tích bằng phiếu Lý Lịch Tư pháp

xoa-an-tich-bang-phieu-ly-lich-tu-phapTheo quy định tại các Điều 64 và 65 của Bộ luật Hình sự năm 1999, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc xóa án tích đối với những người đã bị kết án. Năm 2009 Luật Lý lịch tư pháp được ban hành, sau đó là Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, đã chính thức thừa nhận thêm một phương thức xác nhận sự kiện xóa án tích cho người bị kết án. Đó là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án để cập nhật vào cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Quy định trên đòi hỏi cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp phải có những hiểu biết nhất định về chế định xóa án tích để đảm bảo tính chính xác trong việc cập nhật thông tin về xóa án tích của người bị kết án vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Bài viết xin trình bày một số điểm cần lưu ý về chế định xóa án tích để giúp cán bộ lý lịch tư pháp có thể “xóa án tích bằng Phiếu lý lịch tư pháp” cho những người đã từng bị kết án khi họ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Đương nhiên được xóa án tích là trường hợp được cấp giấy chứng nhận xóa án tích mà không cần có sự nhận xét, quyết định của Tòa án. Hình thức đương nhiên được xóa án tích được áp dụng như sau (Điều 64 Bộ luật Hình sự):

- Về đối tượng áp dụng: có 02 loại. Một là, người được Tòa án miễn hình phạt được đương nhiên xóa án tích khi bản án có hiệu lực pháp luật và họ đã chấp hành xong các quyết định khác được nêu trong bản án. Hai là, người bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù (kể cả phạt tù cho hưởng án treo).

- Về điều kiện áp dụng: Đối với người được miễn hình phạt thì không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Đối với các trường hợp khác thì phải có đủ 2 điều kiện sau đây: 1) Tội phạm mà người bị kết án không thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; 2) Người bị kết án không phạm tội mới trong thời hạn cụ thể theo quy định của pháp luật, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án.

Những thời hạn cụ thể theo quy định của pháp luật nói ở đây là: 01 năm, đối với người bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; 03 năm, đối với người bị phạt tù đến 03 năm; 05 năm, đối với người bị phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm; 07 năm, đối với người bị phạt tù trên 15 năm.

Vấn đề cần quan tâm ở đây là hiểu như thế nào là chấp hành xong bản án để xem xét quyết định thời gian xóa án tích cho chính xác?

Việc chấp hành xong bản án được hiểu là người phạm tội đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung cũng như các quyết định khác của bản án như việc bồi thường thiệt hại, nộp án phí… Trường hợp người phạm tội được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; được giảm hình phạt đã tuyên hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù trong trường hợp đặc biệt; được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước cũng được coi là đã chấp hành xong. Trường hợp hoãn chấp hành hình phạt tù hay tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì không được coi là đã chấp hành xong vì hết thời gian được hoãn thì người bị kết án vẫn phải tiếp tục chấp hành bản án. Ví dụ: Ngày 20/01/2006, Nguyễn Văn A bị Tòa án nhân dân huyện K tuyên phạt 02 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự; bồi thường thiệt hại là 02 triệu đồng và nộp án phí hình sự là 50.000 đồng. Năm 2008, A chấp hành xong hình phạt tù nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, ngày 10/6/2010, A mới đến cơ quan Thi hành án dân sự để nộp các khoản tiền trên. Vậy, thời điểm chấp hành xong bản án để bắt đầu tính thời gian xóa án tích cho Nguyễn Văn A là ngày 10/6/2010.

Trường hợp tội phạm bị xóa bỏ:

Tội phạm bị xóa bỏ là tội phạm được qui định trong Bộ luật Hình sự nhưng sau đó được sửa đổi, bổ sung và không còn quy định nữa. Người thực hiện hành vi trước đây bị coi là phạm tội nhưng hiện nay hành vi đó không còn quy định là tội phạm trong Bộ luật hình sự nữa thì không bị coi là có án tích (Nghị quyết số 33/2009/NQ-QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự).

Một số trường hợp cụ thể cần lưu ý:

- Một người đang trong thời gian xóa án tích mà phạm tội mới, bị xét xử bằng một bản án mới thì việc xác định thời gian xóa án tích đối với bản án cũ được tính lại kể từ ngày người đó chấp hành xong bản án mới. Thời điểm xóa án tích đối với bản án mới cũng được tính theo nguyên tắc trên đây.

- Trường hợp người bị kết án có nhiều bản án khác nhau (tội phạm thực hiện trước nhưng bị phát hiện sau và đưa ra xử sau; tội phạm thực hiện sau nhưng bị phát hiện trước và đưa ra xử trước), việc xóa án tích được tính đối với từng bản án độc lập vì đối tượng không phạm tội trong thời gian xóa án.

- Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án quyết định buộc họ phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự trong bản án mới. Trong trường hợp này thời điểm xóa án tích được tính khi người bị kết án chấp hành xong hình phạt tù và toàn bộ những quyết định khác trong bản án mới theo nguyên tắc trên đây.

- Trường hợp xóa án tích đối với những bản án khác loại: Một người đang trong thời gian thử thách của một bản án cho hưởng án treo thì lại bị kết án về một hành vi phạm tội được thực hiện trước hành vi phạm tội và bị kết án cho hưởng án treo này. Do họ không phạm tội trong thời gian thử thách của án treo, cũng như không phạm tội trong thời gian xóa án tích nên việc tính thời gian xóa án đối với người này cũng được thực hiện độc lập với từng bản án.

Có thể nói, việc Luật Lý lịch tư pháp quy định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án để cập nhật vào cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu lý lịch tư pháp có ý nghĩa quan trọng, tạo thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Thay vì xin cấp Giấy chứng nhận đương nhiên được xóa án tích của Tòa án, việc xóa án tích của họ được chứng minh bằng việc xác nhận “không có án tích” trong Phiếu lý lịch tư pháp. Vì thế, không ai biết là họ đã từng bị kết án. Cách làm này có tác dụng rất lớn trong việc tạo điều kiện cho người bị kết án tái hoà nhập cộng đồng, không bị mặc cảm bởi quá khứ tội lỗi của mình và không bị cộng đồng phân biệt đối xử.

Hãy nhấc máy gọiTỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬTđể được sử dụng dịch vụ tư vấn luật tốt nhất.Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao, để được đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN ”