Mang xe về Việt Nam khi hồi hương và thủ tục gửi quà tặng về Việt Nam

Xin chào luật sư, tôi hiện đang sống và làm việc tại Đức, tôi muốn gửi 1 chiếc xe ôtô đã dùng rồi về Việt Nam để tặng cho em gái tôi có được không?Thủ tục như thế nào? Tôi vẫn còn quốc tịch Việt Nam và nay mai tôi có thể về Việt Nam ở lâu dài, vậy tôi có được mang 1 chiếc xe đang dùng về để làm phương tiện đi lại hay không? Nếu được thì thủ tục làm như thế nào? Xin chân thành cảm ơn! (Trần Trọng Sĩ)

Chào bạn !

Trí Tuệ Luật xin tư vấn luật như sau:

1. Thủ tục gửi quà tặng về Việt Nam

Theo điểm 1.3, Mục I Thông tư số 02/2001/TT-TCHQ của Tổng Cục Hải quan ngày 29/05/2001 quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ôtô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo chế độ phi mậu dịch (“Thông tư số 02/ 2001/TT-TCHQ”) thì: Cơ quan Hải quan cấp giấy phép để quản lý đối với việc nhập khẩu xe ôtô của đối tượng là người Việt Nam và gia đình định cư ở nước ngoài được phép trở về Việt Nam định cư.

Áp dụng quy định pháp luật nêu trên với trường hợp bạn nêu, do bạn nhập khẩu ôtô để về sử dụng, không mang mục đích thương mại nên phải thực hiện các thủ tục cấp giấy phép và nhập khẩu ôtô theo hướng dẫn tại văn bản pháp luật này. Cụ thể như sau:

Hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu:

   Văn bản đề nghị nhập khẩu xe có xác nhận của chính quyền địa phương.Văn bản cần ghi rõ các chi tiết về chiếc xe xin nhập khẩu.

   Hộ chiếu: 01 bản photocopy có đóng dấu xác nhận của cơ quan quản lý và xuất trình bản chính để đối chiếu.

   Vận tải đơn: 03 bản copy;

   Giấy tờ khác liên quan đến xe nhập khẩu (như giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe ở nước ngoài ...).

   Quyết định cho phép định cư tại Việt Nam hoặc văn bản có liên quan khác: 01 bản sao (có xuất trình bản chính để đối chiếu).

Thủ tục nhập khẩu:

Hải quan cửa khẩu căn cứ vào giấy phép và tờ khai hải quan để làm thủ tục nhập theo quy định và sau khi làm xong thủ tục, ghi kết quả làm thủ tục nhập khẩu vào tờ khai và giấy phép. Nội dung ghi bao gồm: nhãn hiệu xe, đời xe (model), năm sản xuất, nước sản xuất, màu sơn, số khung, số máy, dung tích động cơ, tình trạng xe.

Ngoài thủ tục nêu trên, do ôtô của bạn đã qua sử dụng nên phải đáp ứng điều kiện nhập khẩu quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31-3-2006 của Liên Bộ Thương mại - Giao thông Vận tải - Tài chính - Công an hướng dẫn việc nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng theo Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 19/2009/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 07/07/2009. Theo đó, ôtô nhập khẩu phải được đăng ký với thời gian tối thiểu là 6 tháng và đã chạy được một quãng đường tối thiểu là 10.000 km (mười nghìn) tính đến thời điểm ôtô về đến cảng Việt Nam và không được nhập khẩu ô tô các loại có tay lái bên phải.

Ô tô đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế: Cái Lân - Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa

– Vũng Tàu và phải đảm bảo điều kiện không quá 05 năm tính từ năm sản xuất đến thời điểm ôtô về đến cảng Việt Nam, cụ thể là năm 2010 chỉ được nhập ô tô loại sản xuất từ năm 2005 trở lại đây.

Khi nhập ô tô đã qua sử dụng về Việt Nam, bạn phải chịu 3 loại thuế: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.

2. Khi hồi hương muốn mang xe về Việt Nam

   Theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, Kiều bào hồi hương được mang về Việt Nam một ô tô 04 chỗ ngồi đang sử dụng ở nước ngoài, tay lái bên trái, thời gian sản xuất không quá 05 năm, động cơ dùng xăng không pha chì. Ô tô mang về được coi là tài sản di chuyển không phải chịu thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, nhưng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;

   Về thủ tục nhập xe ô tô về Việt Nam đối với Kiều bào hồi hương;

   Khi làm thủ tục nhập khẩu ô tô, phải nộp cho cơ quan hải quan bộ hồ sơ gồm:

+ Vǎn bản đề nghị nhập khẩu, có xác nhận địa chỉ cư trú của chính quyền địa phương (đối với đối tượng là Việt kiều được phép hồi hương).

+ Quyết định của Bộ Công an nước CHXHCN Việt Nam cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài trở về định cư ở Việt Nam (bản sao có công chứng).

+ Hộ chiếu (bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu).

+ Giấy đǎng ký ô tô do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp, thời gian ít nhất là 6 tháng trước thời điểm về nước (bản sao có công chứng kèm theo bản dịch tiếng Việt có công chứng).

+ Bằng lái ô tô (bản sao có công chứng kèm theo bản dịch tiếng Việt có công chứng).

+ Vận tải đơn: 3 bản copy.

Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật tốt nhất.

Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của Trí Tuệ Luật ”

Giải đáp về một số vấn đề liên quan đến hồi hương

Tôi là Việt kiều ở Đức, mang hộ chiếu CHLB Đức, đã được miễn thị thực, nhưng tôi không có hộ chiếu Việt Nam...

Xin được hỏi:

   Sau khi đăng ký công dân xong, trước khi hồi hương tôi có được cấp hộ chiếu Việt Nam? Nếu có thì thủ tục ra sao?

   Nếu được cấp hộ chiếu Việt Nam thì tôi được xem như là có 2 quốc tịch theo luật song tịch mới được Quốc hội thông qua hồi năm ngoái hay không?

   Sau khi đăng ký công dân và hồi hương rồi, tôi còn được tự do dùng hộ chiếu Đức để quay lại Đức thăm con cháu hay không?

   Sau khi đã hồi hương về Việt Nam, tôi có bị bắt buộc phải sinh sống ở Việt Nam một khoảng thời gian tối thiểu nào đó không? Nếu có thì bao lâu?

   Công dân Việt Nam có hộ chiếu Việt Nam nhưng chưa có giấy Chứng minh Nhân dân vì chưa hồi hương thường trú mà chỉ tạm trú khi về thăm quê hương thôi thì có được quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất như công dân Việt Nam thường trú trong nước hay không? Nếu được thì thời gian tạm trú tối thiểu là bao lâu?

Chào bạn !

Trí Tuệ Luật xin tư vấn luật như sau:

1. Xin cấp hộ chiếu Việt Nam(Điều 14, 15, 16 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/08/2007 vể xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam):

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam. Nếu bạn có quốc tịch Việt Nam sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu nếu có yêu cầu.

Thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài:

Hồ sơ gồm: Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu quy định; Giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam; Bản sao giấy khai sinh nếu người đề nghị cấp hộ chiếu dưới 14 tuổi.

Trường hợp cha hoặc mẹ có nhu cầu cho con dưới 14 tuổi đi cùng hộ chiếu thì khai chung vào tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu của mình. Hồ sơ nộp tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Cơ quan này trả kết quả cho người đề nghị trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.

2. Về vấn đề 2 Quốc tịch:

Theo quy định của Luật Quốc tịch thì Hộ chiếu Việt Nam là căn cứ chứng minh người có quốc tịch Việt Nam (Điều 11 Luật Quốc tịch). Nếu bạn được xem xét cấp hộ chiếu Việt Nam thì có thể bạn được coi là có 2 quốc tịch. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải lưu ý về nguyên tắc quốc tịch theo Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam số 24/2008/QH12 của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam ngày 13/11/2008: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.

3. Về vấn đề trở lại Đức sau khi hồi hương:

Sau khi bạn được hồi hương, nếu muốn xuất cảnh (quay trở lại Đức), bạn phải sử dụng hộ chiếu Việt Nam hoặc các giấy tờ liên quan để làm thủ tục này (Điều 4 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/08/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam). Việc bạn muốn nhập cư vào Đức còn phải phụ thuộc vào luật pháp của nước Đức quy định về vấn đề này.

4. Thời hạn tối thiểu phải sống ở Việt Nam sau khi hồi hương:

Luật pháp Việt Nam không quy định về thời hạn bắt buộc công dân Việt Nam khi hồi hương phải sinh sống. Tuy nhiên, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì người hồi hương khi về Việt Nam, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh, phải xuất trình các giấy từ tuỳ thân với công an tỉnh, thành phố nơi cư trú để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú, và xin cấp giấy chứng minh nhân dân (Quyết định số 875/ TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/11/1996 về việc giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương về Việt Nam). Ngoài ra, công dân Việt Nam khi hồi hương còn phải tuân thủ việc đăng kí cư trú theo quy định của Luật Cư trú 2006.

5. Sở hữu nhà đất tại Việt Nam:

Khoản 2 Điều 126 Luật Nhà ở Việt Nam quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng lẻ (sở hữu nhà và quyền sử dụng đất) hoặc một căn hộ.

Như vậy, thời hạn tạm trú được phép để Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà gắn liền quyền sử dụng đất tại Việt Nam là 6 tháng.

Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật tốt nhất.

Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của Trí Tuệ Luật ”

Thủ tục hồi hương về Việt Nam khi đã mất quốc tịch

Tôi đi theo diện đoàn tụ gia đình từ năm 1988 đang dùng pass xanh theo diện nhân đạo năm 1951 và đã li dị 1995, hiện vẫn ở độc thân. Nay tôi muốn về sinh sống với con cháu ở Việt Nam nhưng cơ quan nhà nước Đức (Caritas) nói tôi phải được sự chấp thuận bên Việt Nam về định cư thì ở Đức mới cấp giấy cho tôi trở về.

Cái khó là giấy khai sinh của tôi đã bị thất lạc sau khi li dị chồng cũ của tôi không còn giữ và nơi để lục lại khai sinh bên Việt Nam đã thay đổi nhiều quá không thể nào lục lại được (Phnopenh, chánh quán làng Tân Tây, tỉnh Gò Công, Nam Việt từ năm 1935), ngoài ra tôi không còn giấy tờ gì có thể chứng minh quốc tịch Việt Nam như thẻ căn cước, giấy khai sanh. Tôi chỉ còn giấy khai giá thú (không có ghi rõ quốc tịch), hộ khẩu gốc ở Việt Nam (copy) trước khi xuất cảnh năm 1988. Nay tôi xin hỏi :

1. Làm thế nào tôi có thể xin hồi hương, hoặc;

2. Làm thế nào có đổi pass xanh năm 1951 sang pass Việt Nam (Caritas nói nếu có cũng được).

Chào bạn !

Trí Tuệ Luật xin tư vấn luật như sau:

Theo như nguyện vọng của bà thì bà đang muốn làm thủ tục hồi hương để đoàn tụ với con cháu ở Việt Nam. Nhưng theo những thông tin mà bà đã cung cấp thì chúng tôi chưa thể trả lời ngay câu hỏi này được. Để trả lời câu hỏi này chúng tôi cần thêm những thông tin như: Bà đã có quốc tịch của bên Đức cấp chưa? Nếu đã có quốc tịch của Đức mà bà không làm thủ tục xin giữ quốc tịch Việt Nam thì đương nhiên bà bị mất quốc tịch Việt Nam. Nếu bà đã mất quốc tịch Việt Nam thì theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam và các nghị định, thông tư hướng dãn thì bà phải làm thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam thì mới có thể hồi hương đoàn tụ với con cháu.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì:

Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 (Không đăng ký giữ Quốc tịch Việt Nam) của Luật này có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Xin hồi hương về Việt Nam;

b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;

c) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

d) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

đ) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;

e) Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.

Để xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì bà phải chuẩn bị Hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Bộ hồ sơ bao gồm (Quy định tại Điều 24 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008):

1. Hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam gồm có các giấy tờ sau đây:

a) Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam;

b) Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;

c) Bản khai lý lịch;

d) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

đ) Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam;

e) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.

Bà có thể tham khảo quy trình xin trở lại Quốc tịch Việt Nam sau đây:

1. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nếu cư trú ở trong nước thì nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú, nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại. Trong trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ quy định tại Điều 24 của Luật này hoặc không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo ngay để người xin trở lại quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.

3. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thẩm tra và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam về Bộ Ngoại giao để chuyển đến Bộ Tư pháp. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

4. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người đó để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là người không quốc tịch.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam là người không quốc tịch thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

5. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Sau khi được thực hiện xong thủ tục trở lại quốc tịch thì bà hoàn toàn có thể trở về đoàn tụ cùng con cháu tại Việt Nam.

Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật tốt nhất.

Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của Trí Tuệ Luật ”

Thủ tục nhập lại hộ khẩu đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Năm 2003, tôi sang định cư tại CHLB Đức, nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Năm 2009, về nước sinh sống ổn định, để nhập lại hộ khẩu, tôi cần thực hiện thủ tục gì?

Đọc thêm...

Giải đáp về thủ tục miễn thuế nhập khẩu hàng hóa khi hồi hương

Tôi là Việt kiều hồi hương, hiện mang hai quốc tịch Việt Nam và Thụy Sĩ, xin được tư vấn về vấn đề đăng ký hộ khẩu thường trú và thủ tục miễn thuế nhập khẩu hàng hóa khi hồi hương...

Khi nhập hộ khẩu tôi phải liên hệ trực tiếp với Công an quận nơi đăng ký thường trú đúng không?

Nếu không có quyết định hồi hương thì tôi có được miễn thuế nhập khẩu khi đem xe hơi đã qua sử dụng và đồ đạc về VN không? Thủ tục như thế nào?

Chào bạn !

Trí Tuệ Luật xin tư vấn luật như sau:

1. Vấn đề hồi hương và nhập hộ khẩu:

Theo Điều 20 và 21 Luật Cư trú Việt Nam năm 2006, nếu công dân đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) tại thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã; đăng ký thường trú tại tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

2. Về vấn đề miễn thuế nhập khẩu hàng hóa di chuyển của người Việt Nam định cư ở nước ngoài:

Điểm c) Khoản 2 Điều 101 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định về trường hợp được miễn thuế: “Hàng hóa là tài sản di chuyển của gia đình, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được phép về Việt Nam định cư hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài; hàng hóa là tài sản di chuyển của người nước ngoài mang vào Việt Nam khi được phép định cư tại Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài;

Riêng xe ô tô, xe mô tô đang sử dụng của gia đình, cá nhân mang vào Việt Nam khi được phép định cư tại Việt Nam chỉ được miễn thuế nhập khẩu mỗi thứ một chiếc cho mỗi hộ gia đình”.

Theo Khoản 5, Điều 5 của Luật Thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 thì “tài sản di chuyển là đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt, làm việc của cá nhân, gia đình, tổ chức mang theo khi thôi cư trú, chấm dứt hoạt động ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài”.

Như vậy, bạn được miễn thuế nhập khẩu khi mang xe hơi (một chiếc) đã qua sử dụng và đồ đạc được coi là tài sản di chuyển của gia đình về Việt Nam khi thôi cư trú ở nước ngoài. Thủ tục và điều kiện nhập khẩu xe hơi qua sử dụng trong trường hợp nêu trên được hướng dẫn tại Thông tư 118/2009/TT-BTC ngày 09/06/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc nhập khẩu ô tô đang sử dụng theo chế độ tài sản di chuyển của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam (Xin xem văn bản pháp luật này tại trang Thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao Việt Nam).

3. Đối với thủ tục miễn thuế nhập khẩu hàng hóa:

Thủ tục chung đối với thủ tục miễn thuế nhập khẩu hàng hóa là người nộp thuế phải tự tính và khai số tiền thuế được miễn cho từng mặt hàng (trừ hàng hóa nhập khẩu theo loại hình gia công), tờ khai hải quan như đối với trường hợp phải nộp thuế.

Cơ quan hải quan căn cứ hồ sơ miễn thuế, số tiền thuế đề nghị miễn, đối chiếu với các quy định hiện hành để làm thủ tục miễn thuế cho từng tờ khai hải quan theo qui định. Trường hợp cơ quan hải quan kiểm tra, xác định hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không thuộc đối tượng miễn thuế như khai báo thì thực hiện ấn định thuế và xử phạt vi phạm (nếu có) theo quy định.

Bạn có thể xem chi tiết thủ tục miễn thuế đối với trường hợp cụ thể của bạn tại Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại trang Thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật tốt nhất.

Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của Trí Tuệ Luật ”