Hợp đồng thừa quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp

hop-dong-thua-quyen-doanh-nghiepTrong nền kinh tế mở hiện nay, việc chuyển đổi loại hình sở hữu, chia, tách, sáp nhập doanh nghiệp là một tất yếu khách quan để phù hợp với tình hình tiến trình phát triển hội nhập kinh tế của đất nước, phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp.

 

Liên quan đến vấn đề này, là việc kế thừa các quyền và nghĩa vụ của các chủ sở hữu các loại hình doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, chia, tách, sáp nhập có quan hệ tín dụng với Ngấn hàng Phát triển Việt Nam (NHPT), đặc biệt là những doanh nghiệp đang còn dư nợ vay và việc trả nợ thì không được sòng phẳng; Xin có một số ý kiến trao đổi vấn đề này như sau:

Quy định của pháp luật về pháp lý đối với các chủ sở hữu các loại hình doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, chia, tách, sáp nhập:

Được quy định từ Điều 150 đến Điều 155 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 đối với chia doanh nghiệp, tách doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, sáp nhập doanh nghiệp và chuyển đổi công ty từ công ty TNHH chuyển đổi thành công ty cổ phần và ngược lại. Theo đó, sau khi đăng ký kinh doanh (hiện nay là đăng ký doanh nghiệp), công ty mới sau khi được chia; công ty bị tách và được tách; công ty nhận sáp nhập; công ty chuyển đổi được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp và chịu trách nhiệm các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia, tách; bị sáp nhập; công ty bị chuyển đổi.

Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp 2005 thay thế cho Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, quy định công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi, các quy định này được ghi tại các điều: Điều 31 đối với việc chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, Điều 32 chuyển đổi công ty cổ phần hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Điều 33 chuyển đổi công ty TNHH thành công ty cổ phần.

Cũng theo quy định tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP nêu trên, Điều 36 về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH, quy định chủ doanh nghiệp tư nhân phải là chủ sở hữu công ty (đối với công ty TNHH một thành viên là cá nhân hoặc thành viên (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên); chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp tư nhân và cam kết trả đủ số nợ khi đến hạn.

Về chuyển đổi công ty Nhà nước thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước quản lý như hướng dẫn tại Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010. Theo quy định của Nghị định này, công ty TNHH một thành viên có trách nhiệm kế thừa các quyền, lợi ích hợp pháp và các nghĩa vụ của doanh nghiệp chuyển đổi theo quy định của pháp luật.

Như vậy, mặc dù công ty Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều là những doanh nghiệp trách nhiệm vô hạn, nhưng đối với doanh nghiệp tư nhân khi chuyển đổi thì chủ doanh nghiệp không được chuyển giao các khoản nợ chưa thanh toán.      

Ngoài ra, cũng cần nhắc thêm rằng, tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thay thế cho Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, quy định việc thay đổi tên của doanh nghiệp không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp (khoản 3 Điều 36).

Đối với khách hàng có quan hệ với NHPT khi doanh nghiệp chuyển đổi

NHPT đã có văn bản số 2888/NHPT-PC ngày 19/7/2010 và văn bản số 4906/NHPT-PC kèm theo mẫu hợp đồng hướng dẫn các Chi nhánh ký hợp đồng thừa quyền và nghĩa vụ đối với công ty Nhà nước thực hiện chuyển đổi; đối với khách hàng khác có dự án, khoản vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, ODA, thí điểm, khách hàng có dự án được hỗ trợ sau đầu tư, khách hàng được NHPT bảo lãnh vay vốn tại NHTM, khách hàng gửi tiền tại NHPT khi có sự chuyển đổi của bên vay vốn, bên bảo đảm, bên được hỗ trợ, bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh và bên gửi tiền.

Các doanh nghiệp khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập có quan hệ với NHPT cũng áp dụng văn bản này.

Một số bất cập khi thi hành công vụ

Đối với khách hàng làm ăn tốt và trả nợ đầy đủ cho NHPT hoặc khách hàng còn tiếp tục vay vốn tại NHPT thì việc ký hợp đồng thừa quyền và nghĩa vụ với Chi nhánh là thuận lợi “xuôi chèo mát mái”.  

Nhưng đối với khách hàng có nợ dây dưa và không còn tiếp tục vay vốn với NHPT nữa thì việc ký hợp đồng thừa quyền và nghĩa vụ với Chi nhánh thật sự khó khăn. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi tìm cách thoái thác, trì hoãn thậm chí là tránh gặp gỡ với cán bộ của NHPT. Nhiều đại diện của pháp nhân (kể cả đại diện pháp nhân trước và sau khi chuyển đổi) còn quan niệm rằng vốn của NHPT là vốn nhà nước, việc trả nợ cho NHPT không quan trọng như với việc trả nợ của tổ chức tín dụng khác, họ muốn nhân cơ hội này Nhà nước xóa nợ hoặc xóa lãi cho họ. Đã xảy ra trường hợp số nợ cũ của doanh nghiệp trước khi chuyển đổi với NHPT đã không được làm thủ tục bàn giao và ghi vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi.

Có những đại diện theo pháp luật mới của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, chia tách, sáp nhập, hợp nhất kể cả doanh nghiệp đổi tên, đã không chịu ký hợp đồng thừa quyền và nghĩa vụ với Chi nhánh, thoái thác trách nhiệm với “lý sự cùn” rằng, những người trước làm gì họ không biết, họ có vay đâu mà bây giờ bắt họ phải trả nợ.

Đã có ý kiến cho rẳng, về mặt pháp lý, nếu khách hàng không chịu ký hợp đồng thừa quyền và nghĩa vụ với Chi nhánh thì họ vẫn phải chịu mọi trách nhiệm về các khoản nợ theo quy định của pháp luật như đã nêu trên, nếu họ không nhận trách nhiệm (không ký hợp đồng thừa quyền và nghĩa vụ và không trả nợ cho NHPT), NHPT vẫn có quyền kiện họ ra Tòa và pháp luật đương nhiên bảo vệ chúng ta. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sẽ thuận lợi cho chúng ta tại các cơ quan tài phán khi những hợp đồng trước đó của NHPT ký với khách hàng đảm bảo chặt chẽ không để xảy ra sai sót và Chi nhánh đã sử dụng hết các biện pháp để buộc khách hàng thực hiện nghĩa vụ với NHPT nhưng họ không thực hiện.

Có một số ý kiến của khách hàng tranh luận rằng, việc ký hợp đồng thừa quyền và nghĩa vụ với NHPT là một thủ tục thừa, không cần thiết, vì quyền & nghĩa vụ của các bên liên quan trong quan hệ dân sự này đã được pháp luật mặc nhiên thừa nhận. Chúng tôi không ủng hộ ý kiến này, bởi vì: các quy định của pháp luật vẫn mang tính chất chung và khi thực hiện cần được thể hiện một cách cụ thể, nhất là trong quan hệ dân sự với nhiều giao dịch mang tính chất khác nhau như: quan hệ vay vốn, quan hệ thế chấp, bảo lãnh, tiền gửi…, trong đó đặc biệt lưu ý đến tài sản liên quan đến người thứ ba trong quan hệ thế chấp, bảo lãnh.

Đề xuất và kiến nghị:

1. Cán bộ nghiệp vụ cần xem việc ký hợp đồng thừa quyền và nghĩa vụ đối với các doanh nghiệp khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi là một thủ tục cần thiết, bởi vì nó thể hiện việc chặt chẽ trong việc xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên quan hệ dân sự trong việc vay vốn, bảo lãnh, thế chấp.

Đối với NHPT, do còn tồn tại dự án khoản vay từ Cục Đầu tư phát triển, Quỹ HTPT đang còn dư nợ, trong đó có rất nhiều hợp đồng được soạn thảo rất sơ sài, không chặt chẽ, một số hợp đồng vay vốn, thế chấp những năm gần đây vấn còn có sai sót. Thông qua việc ký hợp đồng thừa quyền và nghĩa vụ này, các bên có cơ hội xem xét, chuẩn xác lại các thông tin số liệu mà trong các hợp đồng đã ký trước đây có thể đã để sai sót, thậm chí là làm hợp đồng trước đó bị vô hiệu (có thể vô hiệu toàn bộ, hoặc vô hiệu điều khoản); ví dụ: sai sót về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, về quyền hạn của đại diện pháp nhân khi ký hợp đồng, các sai sót về thời gian ban hành, các số liệu về số vốn vay, lãi suất, số lãi vay, dư nợ vay… các sai sót về xác định giá trị tài sản bảo đảm, giấy tờ quyền sở hữu tài sản…

Trong thực tế, khi tiến hành ký hợp đồng thừa quyền và nghĩa vụ đối với doanh nghiệp chuyển đổi đã phát hiện ra nhiều lỗi sai sót nêu trên, nhờ vào đó các bên: Chi nhánh NHPT, khách hàng và cả người liên quan đến khách hàng như cấp trên của chủ đầu tư, người thứ ba liên quan đến nghĩa vụ trong quan hệ vay vốn, bảo lãnh đã thương lượng và ký các hợp đồng điều chỉnh bổ sung để hợp đồng vay vốn, thế chấp được chặt chẽ phù hợp với quy định của pháp luật của NHPT, đảm bảo an toàn vốn cho NHPT.

2. Một trong những vấn đề mà các cán bộ nghiệp vụ cần nắm bắt đó là thông tin về thời điểm mà doanh nghiệp có quan hệ với NHPT làm các thủ tục chuyển đổi, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, để theo dõi phát hiện việc các chủ sở hữu cũ và mới của doanh nghiệp không làm thủ tục bàn giao số nợ của NHPT, qua đó có ý kiến đề xuất với Lãnh đạo Chi nhánh làm việc với các bên liên quan và với cơ quan có thẩm quyền nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý trong việc ký hợp đồng thừa quyền và nghĩa vụ của khách hàng cũng như việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách hàng đối với NHPT.

Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật tốt nhất

Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN