thi hành án và kiện đòi nợ khi không có bằng chứng

Gia đình tôi có nộp đơn cho cơ quan thi hành án ở huyện để đòi bên thiếu nợ là 50 triệu đồng, trước khi giải quyết vụ việc cơ quan thi hành án đã "xin" 700.000 VND, sau khi có quyết định họ đề nghị đưa tiếp 300.000 VND. Kết quả giải quyết của thi hành án đưa ra sao khi đã thống nhất với bên thiếu nợ là: mỗi tháng bên nợ sẽ trả cho gia đình tôi 3 triệu đồng cho đến khi hết nợ, nhưng mỗi tháng gia đình tôi phải đóng 3% số tiền nhận được cho cơ quan thi hành án, như vậy có đúng luật không? (Gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, vì số tiền trên là mượn nợ dùm cho bên đang thiếu nợ gia đình tôi, nhưng họ không trả nên gia đình tôi mới đưa ra tòa, kính xin luật sư giúp đỡ. Chân thành cảm ơn).

Vấn đề 2: Gia đình tôi cũng mượn nợ giùm cho người gần nhà có hộ khẩu nơi địa phương nơi gia đình tôi đang ở. Vì là chỗ thân quen nên không có viết giấy nợ. Bây giờ người đó lại quyết định không trả nợ cho gia đình tôi, còn xúc phạm thô lỗ. Trường hợp này gia đình tôi có cách gì để nhờ cơ quan chức năng nơi địa phương giải quyết được không? nếu đưa ra tòa kiện thì gia đình tôi có đủ chứng cớ để kiện không? có cách nào để kiện về vấn đề này không? kính xin luật sự hướng dẫn.

CHÀO BẠN:

B Thi hành án

Trước hết, việc cán bộ cơ quan thi hành án xin 700 ngàn đồng, sau đó xin tiếp 300 ngàn đồng là dạng “nhũng nhiễu” vẫn rất thường hay xảy ra. Cho thấy cán bộ Nhà nước nhiều nơi đã thực sự suy thoái về đạo đức. Đây là nỗi buồn chung của toàn xã hội. Ông bà mình có câu “qua sông phải lụy đò”, nên trong một số trường hợp có lẽ đành phải chấp nhận để được việc cho mình. Nhưng nếu quá đáng thì cũng cần cương quyết từ chối, có thể khiếu nại lên trên.

Về vụ việc của bạn, do không đọc bản án nên tôi không nắm được án tuyên như thế nào. Tuy nhiên về nguyên tắc thì việc thì hành án phải thực hiện theo đúng nội dung bản án. Tức là giả sử án tuyên “bị đơn phải trả nợ cho gia đình bạn 50 triệu một lần, trong vòng 2 tháng” thì cơ quan thi hành án sẽ yêu cầu người phải thi hành án phải thực hiện đúng như vậy, nếu không tự nguyện thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án ( kê biên tài sản, bán đấu giá lấy tiền thi hành án).

Ở đây, việc bạn nói “kết quả giải quyết” của thi hành án là trả 3 triệu/tháng - nếu không đúng với nội dung bản án thì đây là kết quả giải quyết thỏa thuận theo kiểu “thụt lùi”, gây bất lợi cho bên gia đình bạn. Lẽ ra bạn có quyền không chấp nhận “kết quả” như vậy khi làm việc với cơ quan thi hành án. Nay đã “lỡ” rồi thì gia đình bạn vẫn có quyền gửi đơn hủy bỏ thỏa thuận đó, yêu cầu thực hiện đúng theo bản án. Nhân đây cũng cần nói thêm là nhiều cán bộ thi hành án rất “hay”, họ làm việc một hồi cuối cùng dẫn đến kết quả là cả ba bên ( kể cả chính họ) đều có lợi !

Việc gia đình bạn phải đóng 3% mỗi đợt nhận tiền là đúng theo qui định của pháp luật. Theo đó, khi được thi hành án, đương sự có nghĩa vụ đóng cho Nhà nước 3%/số tiền được thi hành án. Qui định này nhiều người (trong đó có cá nhân tôi) cho rằng không hợp lý. Tuy nhiên, luật là luật, phải thực hiện.

Vấn đề 2: kiện đòi nợ

Khi khởi kiện, phía nguyên đơn có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng (chứng cứ) chứng minh yêu cầu (đòi nợ) của mình là có căn cứ. Nếu không có bằng chứng, thì sẽ không có cơ sở để tòa xem xét và chấp nhận yêu cầu. Do vậy, gia đình bạn nhất thiết phải tìm ra, bổ sung chứng cứ về việc có cho ai đó mượn tiền.

Trong bối cảnh thực tế hiện nay, có lẽ nên dùng các “thủ thuật” như : gọi điện thoại rồi ghi âm cuộc nói chuyện, hoặc yêu cầu bên nợ viết giấy nhận nợ thì sẽ giảm số nợ …vv. Tuy nhiên có lẽ cũng sẽ rất khó (vì bên nợ họ đã có sự đề phòng, né tránh).

Nói tóm lại, nếu không có bằng chứng xác thực thì không nên kiện làm gì. Vì sẽ thua kiện. Trong sự việc này lỗi đầu tiên thuộc về chính mình, không thể trách ai được.

 

Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với chúng tôi qua số điện thoại: 0394721077 - 0373844485 để được luật sư hướng dẫn chi tiết.

 

Kiện Đòi Nợ không trả

Tôi có cho một người bạn vay 100 tr để là ăn với lãi xuất là 3tr/tháng, có hợp đồng vay tiền thời hạn là một năm và có người làm chứng . Do bạn tôi làm ăn không tốt nên mắc nợ nhiều đến cuối năm 2011 tôi đến lấy tiền gốc bạn tôi kêu chưa có Do chỗ bạn bè nên tôi gia hạn cho bạn tôi thêm một năm nữa nghĩa là đến cuối 2012 ( thêm một hợp đông mới ). Nhưng tiền lãi từ đầu năm đến giời bạn tôi khất lần đến đòi nhiều lần không trả và tỏ ra bất cần không thiện trí.

Thông tin về người vay nợ :

Bạn tôi chưa lập gia đình không tài sản sở hữu, đang sống cùng với bố mẹ , cùng hộ khẩu và địa chỉ hộ khẩu này điền trong giấy vay nợ người đứng tên là bạn tôi.

Điều tôi muốn hỏi ở đây là :

Khi hợp đồng vay tiền chưa hết hạn tôi có khởi kiện được không ?

Nếu bạn tôi không có đủ khả năng trả nợ vậy Bố Mẹ của bạn tôi có buộc phải trả nợ thay cho con không ?

Tôi phải cần những thủ tục gì và làm cách nào tôi có thể lấy lại tiền nhanh nhất …?

Lý do tôi hỏi câu này là bản thân tôi đang mang bệnh nặng ở giai đoạn cuối sống nhờ vào máy, sống chết không biết ngày nào nên muốn lấy tiền trước thời hạn và rất cần tiền để duy trì thời gian sống.

Mong được hồi đáp sớm từ Luật Sư.

Cám ơn nhiều .

Chào bạn!

Trường hợp của bạn tôi tư vấn như sau:

Khi hợp đồng vay tiền chưa hết hạn tôi có khởi kiện được không ?

     Khi hợp đồng vay tiền chưa hết hạn thì bạn không có quyền khởi kiện vì khi bạn ký hợp đồng vay tài sản mới (giấy vay tiền) trong đó hai bên đã thỏa thuận thời hạn hai bên phải trả là cuối năm 2012. Do vậy, khi hết hạn trong hợp đồng trên mà bên vay tiền không trả tiền cho bạn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn thì khi đó bạn tiến hành thủ tục khởi kiện ra tòa án nhân dân quận/huyện nơi bị đơn cư trú để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Nếu bạn tôi không có đủ khả năng trả nợ vậy Bố Mẹ của bạn tôi có buộc phải trả nợ thay cho con không ?

   Đây là giao dịch vay tiền giữa bạn và người vay tiền, không phải là giao dịch liên quan tới bố mẹ của người vay tiền. Trừ trường hợp bố mẹ bạn vay tiền đồng ý trả tiền thay cho con họ. Khi đó thì 3 bên làm thỏa thuận ký chuyển giao việc thực hiện nghĩa vụ dân sự (nghĩa vụ trả tiền từ người vay tiền sang bố mẹ họ)

Tôi phải cần những thủ tục gì và làm cách nào tôi có thể lấy lại tiền nhanh nhất …?

      Bạn nên thỏa thuận lại với người vay tiền, hoặc qua văn phòng Luật sư gửi công văn yêu cầu đòi nợ trước thời hạn tới người vay tiền trình bày rõ lý do là bạn cần thu hồi số nợ trên để chữa bệnh và nếu họ đồng ý thì hai bên ký thỏa thuận và hợp đồng mới xác định thời hạn trả nợ cụ thể là thời điểm nào trong năm 2012 người vay tiền trả tiền cho bạn.

 

Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với chúng tôi qua số điện thoại: 0394721077 - 0373844485 để được luật sư hướng dẫn chi tiết.

 

Đòi nợ với giấy viết tay

Tôi cho một người quen vay 400 triệu đồng, hai bên chỉ viết giấy tay. Hiện người này không trả nợ dù đã quá thời hạn từ lâu. Nếu đưa ra tòa án thì tôi có đòi lại được số tiền trên không?"

CHÀO BẠN:

Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc về hình thức của hợp đồng vay tài sản cũng như việc phải công chứng, chứng thực hợp đồng này. Do vậy, giấy viết tay về việc vay và cho vay số tiền 400 triệu đồng giữa anh và người quen cũng được coi là một hợp đồng vay tài sản.

Nếu quá hạn trả mà người vay không trả nợ, anh có quyền khởi kiện người vay ra Tòa án cấp huyện (nơi người vay cư trú) để yêu cầu tòa án giải quyết, buộc người vay phải trả cho anh số tiền đã vay.

Khi khởi kiện, anh phải giao nộp bản chính giấy vay nợ cho tòa án theo quy định tại Điều 84 Bộ luật tố tụng Dân sự. Tòa án sẽ dùng giấy vay nợ này làm căn cứ để xác định yêu cầu của anh “là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự” theo đúng quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng Dân sự.

Nếu người vay không thừa nhận chữ viết (hoặc chữ ký) của mình trong giấy vay, họ phải “đưa ra chứng cứ để chứng minh” đó không phải là chữ viết (hoặc chữ ký) của họ hoặc theo yêu cầu của đương sự, tòa án sẽ tiến hành trưng cầu giám định đối với chữ viết (hoặc chữ ký) của các bên trong giấy vay.

Trong trường hợp có đủ căn cứ để xác định đúng chữ viết (hoặc chữ ký) của các bên trong giấy vay, giấy vay nợ có chữ ký của hai bên sẽ được tòa án coi là chứng cứ để xác định nghĩa vụ trả nợ của người vay.

 

Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với chúng tôi qua số điện thoại: 0394721077 - 0373844485 để được luật sư hướng dẫn chi tiết.