Soạn thảo và Ký kết Hợp đồng

soan-thao-va-ky-ket-hop-dong1- Hợp đồng là gì?

Trong xã hội loài người để thỏa mãn các nhu cầu và lợi ích của mình thì các cá nhân, tổ chức phải xác lập các mối quan hệ với nhau, các mối quan hệ được thể hiện thông qua sự trao đổi, thỏa thuận làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các bên – trong phạm vi các mối quan hệ về dân sự, kinh tế, lao động thì sự trao đổi, thỏa thuận được coi là “Giao dịch”. Dưới góc độ pháp lý thì giao dịch nói trên luôn được thể hiện bằng hình thức “Hợp đồng”. Hay nói một cách khác “Hợp đồng” là một hình thức pháp lý của “Giao dịch”.

 

2- Các loại hợp đồng.

Nếu nhìn trên tổng thể các mối quan hệ trong xã hội, các giao dịch rất đa dạng, phụ thuộc vào mục đích, lợi ích mối quan hệ mà các chủ thể tham gia, giao dịch đó mong muốn. Từ đó để phân biệt các loại hợp đồng người ta phân ra ba nhóm (loại) hợp đồng cơ bản như sau:

a) Hợp đồng dân sự;

b) Hợp đồng kinh doanh – thương mại (hay là hợp đồng kinh tế);

c) Hợp đồng lao động;

Các loại hợp đồng này có những đặc trưng khác nhau, chủ yếu khác nhau về các đối tượng và chủ thể của loại hợp đồng đó.

Trong mỗi loại hợp đồng (nhóm) lại có những hình thức hợp đồng khác nhau, chủ yếu khác nhau về đối tượng của hợp đồng đó.

3- Phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh – thương mại:

Khi chuẩn bị soạn thảo, ký kết hợp đồng làm thế nào để phân biệt hợp đồng nào là hợp đồng dân sự và hợp đồng nào là hợp đồng kinh doanh – thương mại. Đây là vấn đề không đơn giản và để phân biệt được 2 loại hợp đồng này cần chú ý 2 đặc điểm cơ bản sau:

Chủ thể của hợp đồng: Việc các chủ thể xác lập quan hệ trong một hợp đồng có thể giúp phân biệt đâu là hợp đồng dân sự và đâu là hợp đồng kinh doanh thương mại.

Mục đích lợi nhuận: Căn cứ vào mục đích của việc ký kết hợp đồng có hay không có lợi nhuận (hay mục đích lợi nhuận) có thể giúp phân biệt được hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh – thương mại.

Như vậy có thể phân biệt 2 loại hợp đồng dân sự và kinh doanh – thương mại thông qua các đặc điểm của từng loại hợp đồng, cụ thể như sau:

a) Hợp đồng dân sự là hợp đồng có đặc điểm:

- Chủ thể: Mọi cá nhân, tổ chức.

- Mục đích giao dịch: Không có mục đích lợi nhuận (Ví dụ: Cá nhân mua xe gắn máy để làm phương tiện đi lại).

b) Hợp đồng kinh doanh thương mại: Là hợp đồng có đặc điểm:

- Chủ thể: Cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh.

- Mục đích giao dịch: Đều có mục đích lợi nhuận (Ví dụ: Công ty A mua nguyên liệu của cá nhân B kinh doanh nguyên liệu về để sản xuất và cả Công ty A, cá nhân B đều có mục đích lợi nhuận khi giao dịch).

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA HỢP ĐỒNG

Tùy theo từng loại hợp đồng mà pháp luật quy định loại hợp đồng đó có hình thức và nội dung chủ yếu đặc trưng và đồng thời trong mỗi hình thức của hợp đồng cụ thể lại có những nội dung chủ yếu phù hợp với đặc trưng của chủ thể, quan hệ và đối tượng của hợp đồng.

a/ Hợp đồng dân sự

Về hình thức hợp đồng dân sự có thể được giao kết (thỏa thuận) bằng lời nói (miệng), bằng văn bản hoặc bằng một hành vi cụ thể.

- Hình thức được giao kết bằng lời nói: Được thực hiện chủ yếu qua sự tín nhiệm, giao dịch được thực hiện ngay hoặc những giao dịch đơn giản, có tính phổ thông, đối tượng giao dịch có giá trị thấp như: mua vé số, mua thực phẩm (rau, quả, thịt...) để tiêu dùng. Ở hình thức này nội dung hợp đồng thường được hiểu như đã thành thông lệ, tập quán có sẵn, việc trao đổi thỏa thuận chủ yếu là giá cả của đối tượng giao dịch (ví dụ 1kg thịt giá cả bao nhiêu – có sự trả giá thêm bớt).

Hình thức hợp đồng này rất phổ biến và áp dụng rộng rãi trong nhân dân, chủ yếu là các giao dịch mua bán lẻ phục vụ đời sống và cho các nhu cầu cá nhân.

- Hình thức giao kết (xác lập) hợp đồng bằng văn bản: được thực hiện chủ yếu ở những giao dịch phức tạp, đối tượng của hợp đồng có giá trị lớn hoặc do pháp luật quy định phải thực hiện bằng văn bản như: mua bán nhà ở, xe gắn máy, vay tiền ở tổ chức tín dụng, bảo hiểm... (nhưng không có mục đích lợi nhuận).

Đối với hình thức hợp đồng này tùy từng hợp đồng cụ thể pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng hoặc thị thực mới hợp lệ (như mua bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất...). Tuy nhiên nếu các bên không công chứng hoặc chứng thực thì theo qui định tại Điều 401 Bộ luật dân sự 2005 hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý và không bị coi là vô hiệu trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Ngoài ra những Trường hợp pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng thì các bên vẫn có thể thỏa thuận công chứng hoặc có sự chứng kiến của người làm chứng nhằm làm cho hợp đồng có giá trị pháp lý cao.

- Hình thức giao kết hợp đồng bằng hành vi cụ thể: Thông thường đây là một dạng quy ước đã hình thành trên cơ sở thông lệ mà các bên đã mặc nhiên chấp nhận (Ví dụ: Khi xe chở hàng đã vào bến dù không nói trước nhưng đội bốc xếp tự động xếp dỡ hàng mà không cần trao đổi với chủ hàng, sau đó chủ hàng tự động trả tiền công cho đội bốc xếp).

Về nội dung chủ yếu của hợp đồng dân sự: Mọi hợp đồng dân sự dù dưới hình thức nào thì đều phải bảo đảm có những nội dung chủ yếu cơ bản (được Bộ luật Dân sự quy định tại Điều 402) mà nếu thiếu thì không thể giao kết được. Tuy nhiên tùy loại hợp đồng, có những loại hợp đồng nội dung chủ yếu của loại hợp đồng đó do văn bản pháp luật quy định cụ thể (có hoặc không kèm theo mẫu hợp đồng), nhưng cũng có những loại hợp đồng pháp luật không quy định cụ thể về nội dung chủ yếu của loại hợp đồng đó thì các bên thỏa thuận về nội dung chủ yếu của hợp đồng nhưng cần phải có các nội dung sau đây:

+ Đối tượng của hợp đồng (tài sản gì? Công việc gì?);

+ Số lượng, chất lượng;

+ Giá cả, phương thức thanh toán;

+ Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

+ Quyền và nghĩa vụ của các bên;

+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

+ Phạt vi phạm hợp đồng.

Ngoài các nội dung cơ bản nêu trên thì các bên có thể thỏa thuận thêm các nội dung khác (nhưng không được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội).

b/ Hợp đồng kinh doanh – thương mại (còn gọi là hợp đồng kinh tế)

Về hình thức của hợp đồng kinh doanh – thương mại nói chung giống như của hợp đồng dân sự (trước đây Pháp lệnh hợp đồng kinh tế chỉ cho phép duy nhất một hình thức là hợp đồng bằng văn bản).

Lưu ý: Các loại văn bản cũng được coi là hợp đồng nếu hai bên giao kết gián tiếp bằng các tài liệu giao dịch như: công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng và được sự đồng ý của bên kia với nội dung phản ảnh đầy đủ các nội dung chủ yếu cần có và không trái pháp luật thì được coi là hợp lệ.

Về nội dung chủ yếu của hợp đồng kinh doanh – thương mại:

Về cơ bản nội dung của hợp đồng kinh doanh – thương mại giống như hợp đồng dân sự.

Tuy nhiên do đặc thù là hàng hóa dịch vụ có số lượng khối lượng lớn nên tính chất phức tạp hơn đòi hỏi ngoài các nội dung cơ bản thì cụ thể hóa chi tiết hóa các thỏa thuận thường sẽ do hai bên thỏa thuận và đưa vào nội dung của hợp đồng nhiều hơn, đòi hỏi chặt chẽ, chính xác hơn.

Ví dụ: Hợp đồng kinh doanh – thương mại có thể rõ thêm các nội dung sau:

+ Chất lượng, chủng loại, quy cách, tính đồng bộ của sản phẩm, hàng hóa hoặc yêu cầu kỹ thuật của công việc;

+ Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng;

+ Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng.

+ Điều kiện nghiệm thu, giao nhận.

Nhìn chung hiện nay giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh – thương mại có nhiều điểm chung giống nhau, có chăng sự khác nhau là các chủ thể ký kết hợp đồng và mục đích của hợp đồng có lợi nhuận hay không mà thôi.

Hãy nhấc máy gọi0394721077 - 0373844485để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật tốt nhất.Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao, để được đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN ”