Hiệu lực của di chúc miệng

Tháng 1/2006 cha tôi thấy không còn khỏe nên họp gia đình (gồm ông, ba người con và một người trong họ), nói miệng về việc phân chia tài sản sau khi ông mất là để lại căn nhà cho tôi (vì tôi là người trực tiếp chăm sóc ông). Sau đó 5 tháng cha tôi mất. Bây giờ hai anh tôi đòi chia đều căn nhà cha tôi để lại. Xin hỏi, di chúc miệng mà cha tôi đã nói có hiệu lực không?

CHÀO BẠN:

Bộ luật dân sự 2005 quy định di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ, đồng thời trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. Sau 3 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ (điều 651, 652).

Như vậy, di chúc của cha bạn không được coi là hợp pháp vì không được ghi chép lại và không công chứng, chứng thực. Thêm vào đó, nếu sau 3 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà cha bạn vẫn còn minh mẫn, sáng suốt thì di chúc cũng không còn hiệu lực. Do đó di sản của cha bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật.

 

Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với chúng tôi qua số điện thoại: 0394721077 - 0373844485 để được luật sư hướng dẫn chi tiết.

 

Thủ tục di sản thừa kế

Ba mẹ tôi đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sỡ hữu nhà được cấp năm 1993 căn nhà mà ba mẹ tôi đồng ý cho và chúng tôi đang ở. Nay mẹ tôi mất, mà chúng tôi chưa làm giấy sang tên để cha mẹ tôi chuyển quyền sỡ hữu căn đó qua tên chúng tôi. Trong gia đình có 7 anh chị em, ai cũng đã có nhà, nên họ muốn khướt từ để chúng tôi làm giấy tờ cho dễ dàng, để sang tên căn nhà cho chúng tôi.

Chào bạn!

Một số vấn đề cần được làm rõ trong trường hợp bạn cần tư vấn:

- Thứ nhất: Bạn có trình bày rằng lúc trước cha mẹ chồng có cho vợ chồng bạn căn nhà này, vậy hình thức cho là như thế nào: cho bằng miệng hay có hợp đồng tặng cho?

- Thứ hai: Mẹ chồng bạn mất đã lâu chưa? Nếu mất đã quá sáu tháng thì các đồng thừa kế không còn quyền tự chối nhận di sản nữa. Vì vậy đòi hỏi các đồng thừa kế phải cùng đi ra phòng công chứng khai nhận.

Trong trường hợp bây giờ nếu các đồng thừa kế: cha chồng bạn, 7 anh chị em vẫn đồng ý tặng cho căn nhà này cho vợ chồng bạn thì cần tiến hành như sau:

Cần lập các thủ tục để khai nhận di sản thừa kế của mẹ chồng bạn (gồm: giấy chứng tử của mẹ chồng bạn, giấy khai sinh của tất cả các anh chị em, tờ tường trình quan hệ nhân thân có xác nhận chữ ký tại phường,…) Sau khi chuẩn bị tất cả các thủ tục và sau 01 tháng niêm yết tại địa phương, gia đình bạn sẽ liên hệ phòng công chứng làm văn bản khai nhận di sản thừa kế và trong văn bản này các đồng thừa kế tặng cho lại phần di sản được hưởng cho chồng bạn. Sau khi có văn bản này bạn sẽ liên hệ UBND quận để xin cấp GCN QSD đất và QSH nhà cho vợ chồng bạn.

 

Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với chúng tôi qua số điện thoại: 0394721077 - 0373844485 để được luật sư hướng dẫn chi tiết.

 

Thủ tục khai nhận thừa kế khi có một người thừa kế đang ở nước ngoài?

Tôi có người anh họ ở nước ngoài, sắp tới dự định về Việt Nam để xin khai nhận thừa kế tài sản là một căn nhà do mẹ đã chết để lại. Vì thời gian ở tại Việt Nam có hạn mà theo quy định thì thời hạn niêm yết thông báo khai nhận di sản thừa kế và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là 30 ngày. Vậy xin hỏi có lý do nào cho phép rút ngắn bớt thời hạn niêm yết này không? Xin cám ơn.

CHÀO BẠN:

Thủ tục thông báo khai nhận di sản như bạn nói được quy định tại Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực và Thông tư số 03/2001/TP-CC ngày 14/3/2001 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Nghị định số 75/2000/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Việc thoả thuận phân chia di sản, việc khai nhận di sản phải được niêm yết. Việc niêm yết do cơ quan công chứng thực hiện tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Trong trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ là bất động sản, thì việc niêm yết được thực hiện theo hướng dẫn nêu trên; nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản. Cơ quan công chứng phải cử người trực tiếp niêm yết, có sự chứng kiến của đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Trong trường hợp di sản chỉ là động sản, nếu cơ quan công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì cơ quan công chứng có thể uỷ thác cho Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện việc niêm yết theo hướng dẫn nêu trên.

Nội dung niêm yết nêu rõ: họ, tên người để lại di sản; họ, tên của những người thoả thuận hoặc người khai nhận và quan hệ với người để lại di sản; danh mục di sản được thoả thuận phân chia hoặc được khai nhận; cuối bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót người được hưởng di sản, bỏ sót di sản, di sản không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản, thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho cơ quan thực hiện công chứng.

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm bảo quản việc niêm yết, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết.

Hiện nay, luật công chứng không quy định cụ thể về vấn đề này nhưng việc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế và văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vẫn được thực hiện theo quy định trên.

Trường hợp bạn nêu ra vẫn niêm yết thông báo trong ba mươi ngày nhưng do điều kiện có người đang nước ngoài không về nước trong thời gian dài được nên có thể tiến hành theo hai cách sau:

Cách thứ nhất:

Một trong những người đồng thừa kế đến tổ chức công chứng để yêu cầu công chứng và cung cấp trước một bộ hồ sơ liên quan đến việc khai nhận di sản thừa kế, gồm: Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu; Dự thảo văn bản thừa kế (nếu có); Bản sao giấy tờ tuỳ thân; Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng; Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có (như giấy chứng tử của người để lại di sản; giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn chứng minh quan hệ của người thừa kế với người để lại di sản).

Người đang ở nước ngoài có thể gửi hồ sơ (như: giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, hộ chiếu; giấy tờ chứng minh quan hệ với người để lại di sản …) về nước trước để người ở nhà làm thủ tục yêu cầu công chứng (có thể gửi bản sao).

Sau khi đầy đủ hồ sơ, tổ chức công chứng tiến hành thủ tục công chứng như thông thường. Sau 30 ngày niêm yết thông báo nếu không có khiếu nại, tố cáo gì thì tiến hành khai nhận di sản thừa kế. Lúc này, người đang ở nước ngoài có thể về nước, cùng các đồng thừa kế đến tổ chức công chứng để lập và ký văn bản khai nhận di sản thừa kế. Khi lập và ký văn bản trước sự chứng kiến của công chứng thì người đó xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân và giấy tờ liên quan đến việc khai nhận di sản thừa kế của mình.

Cách thứ hai:

Nếu người đang ở nước ngoài không thể về nước được thì có thể ủy quyền để người trong nước thay mặt mình tiến hành thủ tục khai nhận di sản theo quy định của pháp luật.

Việc ủy quyền được thực hiện tại cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước mà người đó đang sinh sống, như Đại sứ quán, Lãnh sự quán.

Trong Giấy ủy quyền ghi rõ các thông tin: thông tin về người ủy quyền và người được ủy quyền; căn cứ ủy quyền (là thông tin về việc thừa kế, về tài sản được thừa kế …). Đồng thời ghi rõ nội dung ủy quyền như: “Người được ủy quyền được thay mặt và nhân danh tôi tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.”

Sau khi có Giấy ủy quyền của người đang ở nước ngoài gửi về thì người được ủy quyền có thể cùng với những đồng thừa kế khác của người để lại di sản đến tổ chức công chứng để yêu cầu tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Người được ủy quyền chỉ thực hiện các công việc trong phạm vi được ủy quyền

 

Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với chúng tôi qua số điện thoại: 0394721077 - 0373844485 để được luật sư hướng dẫn chi tiết.

 

Di sản là đất không có giấy tờ

Xin hỏi chia thừa kế quyền sử dụng đất nhưng không có giấy chứng nhận

quyền sử dụng đất Cha tôi Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1,2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai có lập được di chúc chia thừa kế quyền sử dụng đất cho con cái?

Tòa án căn cứ di chúc này chia thừa kế quyền sử dụng đất nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng hay sai?

CHÀO BẠN:

Theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế, di sản gồm có tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và được để lại thừa kế theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa là tài sản thừa kế phải là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người để lại thừa kế (đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì phải đăng ký theo quy định của pháp luật). Do mảnh đất này của Cha anh không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 50 của Luật Đất đai 2003, nên theo quy định của pháp luật dân sự, Cha anh không được để lại thừa kế mảnh đất này.

Do mảnh đất của Cha anh chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 50 của Luật Đất đai 2003, nên Tòa án sẽ không thụ lý giải quyết vụ việc chia thừa kế theo quy định của pháp luật về đất đai.

 

Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với chúng tôi qua số điện thoại: 0394721077 - 0373844485 để được luật sư hướng dẫn chi tiết.