Trợ cấp sau ly hôn có quy định theo mức thu nhập

tro-cap-sau-ly-hon-quy-dinh-theo-dinh-mucXin cho tôi hỏi về việc trợ cấp sau khi ly hôn. Anh trai tôi và chị dâu đã ly thân với nhau được 9 năm và đang làm thủ tục ly hôn. Tòa án triệu tập làm việc ngày 14/5/2015. Hiện tại hai người có một con trai, đứa con này không ở với bố, mẹ mà ở với bà ngoại của cháu. Anh trai tôi đã trợ cấp cho cháu mỗi tháng 1.500.000đ cách đây 3 năm cho đến nay. Trước thời gian đó cũng thường xuyên gửi tiền phụ giúp bà ngoại nuôi dưỡng cháu bé, nhưng không cố định mức tiền. Nhưng khi ra tòa án làm thủ tục ly hôn. Chị dâu tôi yêu cầu anh trai tôi phải trợ cấp là 2.500.000 đồng mỗi tháng. Trong khi đó anh trai tôi làm nghề thợ sắt, thu nhập mỗi ngày là 200.000 đồng. Công việc không ổn định với lại sống cùng với mẹ già. Vậy xin cho tôi hỏi, có mức quy định trợ cấp cụ thể theo mức thu nhập hay không?

 

Chào bạn !

TLLAW.VN xin tư vấn pháp luật tốt nhất như sau:

Theo Khoản 2, Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ cấp dưỡng cho con; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. (Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014)

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con. (Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

Về mức cấp dưỡng: Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. (Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014)

Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về mức cấp dưỡng, mức cấp dưỡng trước hết do các bên thỏa thuận nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Khi giải quyết tòa án cũng sẽ căn cứ trên cơ sở căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng để quyết định mức cấp dưỡng.

Hãy nhấc máy gọiTỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬTđể được sử dụng dịch vụ tư vấn luật tốt nhất.Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao, để được đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN ”