Chia tài sản thừa kế sau 34 năm

di-san-thua-ke-34namBà ngoại ruột của tôi có 3 người con, gồm hai con gái lớn và một con trai út. Trước khi mất đi, bà có mảnh đất trống 3.5x12m tại Phường Bình Trị Đông, Q. Bình Tân. TP.HCM. Năm 1978, bà mất để lại 3 người con và mảnh đất trên mà không có di chúc, sau đó, người chị cả dọn ra ngoài ở và còn lại hai người em ở trên mảnh đất đó.

Người con thứ 2 đã làm việc, cải tạo mảnh đất, xây nhà trên mảnh đất ấy và nuôi người em út từ năm 7 tuổi bằng chính nguồn vốn lao động của mình và chồng( khi bà mất) đến năm 1993 thì người em dọn khỏi nhà, nhưng hộ khẩu vẫn lưu tại địa chỉ trên.

Nay, người em út quay lại và yêu cầu phải bán căn nhà hiện nay và chia tài sản làm đôi, nếu không phải chi lại cho cậu 300 triệu đồng, nếu không sẽ thưa ra tòa.

Hiện nay, dì tôi trong hoàn cảnh khó khăn, không có thu nhập để chi tiền cho cậu chúng tôi.

Xin hỏi Quý luật sư, nếu như việc này được thưa ra tòa thì sẽ được xử lý như thế nào? Yêu cầu của cậu tôi là đúng hay sai? Án phí sẽ như thế nào?

Xin chân thành cám ơn Quý luật sư.

Chào bạn !

TLLAW.VN xin tư vấn pháp luật tốt nhất như sau:

1. Tranh chấp di sản thừa kế của bà ngoại bạn.

Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quy định: " Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế

a) Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 1/7/1996, thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế".

Khi xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 1/7/1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 1/7/1996 đến ngày 1/1/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện."

Như vậy theo quy định pháp luật trên thì với những người chết trước ngày 10/9/1990: đến ngày 10/9/2000 là hết thời hiệu khởi kiện tranh chấp về thừa kế đối với di sản là quyền sử dụng đất và đến ngày 10/3/2003 là hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với di sản là nhà ở. Sau ngày 10/3/2003 có tranh chấp về thừa kế đối với di sản là nhà ở thì Tòa án cũng không thụ lý giải quyết trừ trường hợp tranh chấp về tài sản chung và có căn cứ để xác định di sản thừa kế đã trở thành tài sản chung.

Theo thông tin bạn nêu thì bà bạn đã chết trước năm 1990 nên thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với di sản là nhà ở của bà bạn kéo dài đến ngày 10/3/2003. Do vậy, nếu này cậu bạn có khởi kiện để tranh chấp di sản thừa kế của bà ngoại bạn cũng không được nữa. Phần di sản thừa kế của bà ngoại bạn sẽ do Dì bạn tiếp tục được quản lý, sử dụng.

2. Di sản thừa kế của ông bạn:

Thông tin nêu trên, bạn chưa nhắc đến ông bạn. Nếu nhà đất đó là tài sản chung của ông bà bạn thì bà bạn chỉ có quyền sở hữu 1/2, còn 1/2 tài sản là của ông ngoại bạn. Nếu ông ngoại bạn chết đã quá 10 năm thì hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Nếu còn thời hiệu khởi kiện thừa kế của ông ngoại bạn thì Cậu bạn cũng có thể khởi kiện để yêu cầu chia di sản thừa kế.

3. Chia tài sản chung:

Nếu nhà đất đó là tài sản chung của hộ gia đình hoặc là di sản của ông bà bạn để lại nhưng trong thời hiệu khởi kiện về thừa kế, các thừa kế đã có văn bản xác nhận về thừa kế thì đến nay cậu bạn vẫn có thể yêu cầu chia tài sản chung có nguồn gốc từ di sản thừa kế. Bạn có thể tham khảo quy định sau đây của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của HĐTP TAND tối cao:

"Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế

a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản."

Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ , tư vấn pháp luật tốt nhất

Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN