Tư vấn chia di sản thừa kế là đất đai

tu-van-chia-di-san-thua-ke-dat-daiBố mẹ tôi sinh được 2 chị gái và 4 anh em trai, tôi là con trai trưởng. Bố mẹ tôi có 2 thửa đất từ thời các cụ tổ tiên trước đây để lại: 1 mảnh 240m2 và 1 mảnh kia 270m2.Không rõ lý do gì khi mẹ tôi còn sống bố tôi đã tự mình ( không hỏi ý kiến mẹ tôi) cho người con trai thứ 2 toàn bộ ngôi nhà mà bố mẹ tôi bao công xây dựng và mảnh đất 240m2 này; còn mảnh 270m2 thì cho người con trai thứ 3. Mẹ tôi buồn và suốt ngày nói là bà phải ở nhờ. Bố tôi tự cho con trai thứ 2 và thứ 3 đứng tên sổ đỏ 2 mảnh đất trên từ năm 1995 mà không ai hay biết.

 

Về thủ tục pháp lý sang tên sổ đỏ cho hai người con trai trên đứng tên thì chỉ có một mình bố tôi viết và ký tên thôi ( mẹ tôi còn sống cũng không được hỏi ý kiến và ký tên). Lúc này anh em tôi đã trưởng thành đều lập gia đình nhưng không ai được biết (riêng chỉ có 2 người con trai thứ 2 và thứ 3 được biết mà thôi).

Sự việc xảy ra vào tháng 1/2006 người con trai út xây dựng gia đình làm ăn ở xa mang con về quê sinh sống muốn có đất xây dựng nhà để ở nên gia đình đã họp để phân chia, thành phần họp gồm: bố tôi làm chủ toạ và mẹ tôi, 4 con trai, 3 con dâu và ông chú ruột em trai bố tôi cùng tham dự. Nội dung tài sản phân chia như sau: tôi là con trai trưởng và con trai thứ hai cùng bố mẹ tôi ở mảnh đất 240m2 (chia làm 3); con trai thứ 3 và con trai thứ 4 (con trai út) ở mảnh đất 270m2. Biên bản họp tháng 1/2006 được đọc cho mọi người tham dự nghe và đều nhất trí ký tên; đồng thời cuối Biên bản có ghi chú: " Biên bản có hiệu lực từ tháng 1/2006 này và từ nay không họp bàn phân chia tài sản nữa, mọi sự phân chia trước đây đều không có giá trị".

Hiện nay con trai thứ 4 đã làm nhà trên chỗ đất 40m2 thuộc 1 phần nhỏ của thửa đất 270m2 (mà trước đây gia đình làm chuồng nuôi lơn và trâu bò) và muốn sang sổ đất tên mình thì mới biết là bố tôi đã tự chuyển 2 thửa đất trên cho con trai thứ 2 và con trai thứ 3 đứng tên từ lúc mẹ tôi còn sống mà không ai hay biết ( nay mẹ tôi đã mất T5 - 2008). Nhưng bây giờ 2 người con trai ( thứ 2 và thứ 3) đã nói là đất tên của mình không phải trả ai hết.

Vấn đề thứ 2: Sau khi các thành viên trong gia đình xây dựng gia đình đều tách sổ hộ khẩu riêng. Còn lại bố mẹ tôi và chú thứ 4 (út) cùng chung sổ hộ khẩu. Nay mẹ tôi đã mất chỉ còn lại bố tôi (87 tuổi) và vợ chồng chú út cùng sổ hộ khẩu thôi. Trước đây, chú út đi làm ăn xa nhà nên mọi giấy tờ đất nông nghiệp nhà nước cấp cho bố mẹ tôi và chú út để sản xuất sinh sống ( thường gọi là đất 3) sổ đỏ đều đứng tên bố tôi (2 sào bắc bộ của mẹ tôi và chú út làm nông nghiệp và 360m2 của bố tôi thương binh làm công tác ở huyện về mất sức đã lâu, do mức lương thấp nên được nhà nước hỗ trợ cấp thêm để sản xuất ).

Mọi việc đều bình thường vì đây là nhà nước cấp đất cho cá nhân và hộ gia đình có hộ khẩu ở nông thôn mà không có lương để SX. Thế nhưng hiện nay 2 chị gái tôi đã gần 60 tuổi (1 chị lấy chồng cùng làng đã được nhà nước cấp đất để SX rồi; 1 chị đã đi công tác nay nghỉ hưu ở Hải Dương đang hưởng lương hưu của nhà nước) thấy bố tôi đứng tên sổ đất nông nghiệp trên nên 2 chị đã bí mật xin bố tôi cho 2 sào (xuất của mẹ tôi và chú út ) cho con cháu để đào ao thả cá.

Từ việc chú út muốn tách sổ đất ở nhưng anh thư 2 & thứ 3 không trả, lại phát hiện 2 chị gái lại lấy đất SX của mình đào ao nên cả làng ai ai cũng phản đối. Chú út đã làm đơn đề nghị các ban ngành trong thôn giúp đỡ hòa giải anh em nhưng không thành vì 2 chị gái và anh trai thứ 2&3 nói là tài sản tên đứng bố nên bố có quyền thích cho ai thì cho. Chú út ra UBND xã xin tách hộ khẩu để lấy lại phần đất nông nghiệp SX (các chị đã đào ao) thì UBND nói là theo quy định hiện nay người trên 80 tuổi không được đứng tên 1 mình 1 sổ hộ khẩu do vậy cũng không làm được.

Nay bố tôi 87 tuổi lúc thì tự viết giấy cho đứa này, mai lại viết cho đứa kia làm anh em chúng tôi bất hòa mâu thuẫn với nhau. Mấy ngày gần đây bố tôi lại tự viết giấy chia: tôi và chú út được 2 sào (phần đất SX của mẹ tôi và chú út); còn 300 m2 (phần của bố tôi được cấp) gần khu dân cư này cho 4 người con (2 chị gái, chú thứ 2 &thứ 3). Hiện nay, 4 người con này đang bí mật nhờ người chuyển đổi mục đích từ đất SX nông nghiệp sang đất ở.

Vậy tôi là con trưởng và chú thứ 4 (út) có được hưởng di sản đất ở trên của tổ tiên để lại không? Vì phong tục VN tôi là con trưởng không còn chỗ thờ cúng tổ tiên?

Về đất SX nông nghiệp: việc bố tôi tự cho 4 người con 300 m2 trên mà không được sự đồng ý của tôi và chú út có đúng với luật pháp không?

(Tôi đi công tác xa nhà nên cũng không có ý định gì về việc đất cát ở quê nhà nhưng hiện nay bố tôi đã 87 tuổi rồi mà cứ làm rối tinh gia đình làm anh em cãi, đánh chửi nhau nên suốt ngày cứ bị gọi về để giải quyết, tôi đã nhiều lần về giải thích nhưng bố tôi lại bảo quyền tao nên đến giờ vẫn không đâu vào đâu, anh em tan đàn xẻ nghé tôi rất buồn chỉ thương cho chú út ở quê đất ở (40m2) bằng 1/13 của gia đình mà cũng không được sang tên còn đất SX của mình thì bị chị gái lấy mất nay phải lang thang đi làm thuê).

Tôi muốn nhờ pháp luật tư vấn xem cách giải quyết hiện nay như thế nào?

 

Chào bạn !

TLLAW.VN xin tư vấn pháp luật tốt nhất như sau:

Vấn đề 1: Về đất ở

Xác định đất ở có 02 mảnh là do tổ tiên để lại. Và nhà đất có được trong thời kỳ hôn nhân của hai vợ chồng.

Chính vì vậy xác định người bố năm 1995 một mình xác lập quyền định đoạt quyền sử dụng đất cho người con thứ 2; 3 là không đầy đủ theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc pháp luật quy định tài sản chung vợ chồng là hợp nhất, và nguyễn tắc mỗi vợ hoặc chồng hưởng 1/2 nhà đất đó.

Nếu là đất thừa kế của tổ tiên: còn cần xem xét đến các hàng thừa kế khác tại thời điểm năm 1995. Để xác định việc cho đất là vi phạm pháp luật.

Bạn đọc cùng các anh chị em khác là người có quyền và nghĩa vụ liên quan: có thể khởi kiện vụ án hành chính là hủy hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp năm 1995 vì vi phạm quy định cua rpháp luật. Trên cơ sở đó yêu cầu Tòa giải quyết vụ án dân sự chia đất thừa kế do người mẹ để lại để bảo vệ quyền va flợi ích hợp pháp cho mình.

Vấn đề 2: Đất Nông nghiệp

Về cơ bản đất nông nghiệp cấp cho các nhân khẩu tại địa phương để sản xuất theo quy định. Thời điểm cấp là trước năm 1993.

Bạn đọc lưu ý: Đất nông nghiệp cấp cho hộ gia đình; chính vì vậy trong giấy chứng nhận xác định cấp cho Hộ gia đình ông....(tên bố của bạn). Chứ không phải là cá nhân....(tên bố của bạn).

Để xác định đất nông nghiệp cấp cho mấy nhân khẩu là rất dễ; chỉ cần xác định thời gian cấp đất nông nghiệp theo giấy chứng nhận; sau đó đối chiếu sao kê sổ hổ khẩu tại thời điểm cấp sổ bao gồm những ai???

Việc bố tự ý chia tặng cho đất nông nghiệp cho người con là không đúng quy định của pháp luật. Đất nông nghiệp cấp cho hộ gia đình, không cấp cho cá nhân.

Hãy nhấc máy gọiTỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬTđể được sử dụng dịch vụ tư vấn luật tốt nhất.Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao, để được đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN ”