Quyền sở hữu đối với công trình không phải nhà ở

quyen-so-huu-doi-voi-cong-trinh-khong-phai-nha-oTôi tên là Phạm Văn Minh. Sáu năm trước, bố tôi có mua một mảnh đất và xây một khách sạn nhỏ để kinh doanh (có giấy phép xây dựng và giấy phép kinh doanh). Đến nay, bố tôi đã qua đời do bị bệnh và để lại cho tôi toàn bộ tài sản, bao gồm cả khách sạn đó.

Sau khi bố tôi mất, bác tôi (anh trai bố) có nói với tôi rằng mảnh đất mà bố tôi xây khách sạn trên đó là của bác, chứ không phải của bố tôi. Vậy, xin hỏi luật sư: Tôi phải làm gì để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với khách sạn? Việc mảnh đất không phải của bố tôi có ảnh hưởng gì đến việc cấp giấy chứng nhận cho tôi không?

Tôi xin chân thành cảm ơn văn phòng luật sư giỏi, uy tín đã tư vấn luật giúp tôi!

Chào bạn !

TLLAW.VN xin tư vấn pháp luật tốt nhất như sau:

Thứ nhất: Về chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình xây dựng không phải là nhà ở:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai 2013:

“Chủ sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở được chứng nhận quyền sở hữu theo quy định sau đây:

– Hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư phải có một trong các loại giấy tờ sau:

+ Giấy phép xây dựng công trình đối với trường hợp phải xin phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Trường hợp công trình đã xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

+ Giấy tờ về sở hữu công trình xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ, trừ trường hợp Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng;

+ Giấy tờ mua bán hoặc tặng cho hoặc thừa kế công trình xây dựng theo quy định của pháp luật đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định;

+ Giấy tờ của Tòa án nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu công trình xây dựng đã có hiệu lực pháp luật;

+ Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác thì phải có một trong các giấy tờ mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế công trình xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 có chữ ký của các bên có liên quan và được Ủy ban nhân dân từ cấp xã trở lên xác nhận; trường hợp mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế công trình xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà không có giấy tờ về việc đã mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế có chữ ký của các bên có liên quan thì phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận vào đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất về thời điểm mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế công trình xây dựng đó.

Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu công trình có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c, và d Khoản này mà hiện trạng công trình không phù hợp với giấy tờ đó thì phần công trình không phù hợp với giấy tờ phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận như quy định tại Điểm e Khoản này;

+ Trường hợp cá nhân trong nước không có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản này thì phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận công trình đã hoàn thành xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và công trình được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.

Trường hợp công trình hoàn thành xây dựng từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về công trình xây dựng không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như trường hợp xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004; trường hợp công trình thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng mà không xin phép thì phải có giấy tờ của cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện chấp thuận cho tồn tại công trình đó.”

Như vậy, để được chứng nhận quyền sở hữu đối với khách sạn đó, bạn cần có giấy tờ thừa kế khách sạn đã được công chứng hoặc chứng thực theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai: Về việc chủ sở hữu công trình không đồng thời là người có quyền sử dụng đất:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai 2013:

“Trường hợp chủ sở hữu công trình xây dựng không đồng thời là người sử dụng đất thì ngoài giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu công trình theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, phải có văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng công trình đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.”

Như vậy, ngoài những giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đã nêu ở phần thứ nhất, bạn cần có văn bản chấp thuận của bác bạn về việc đồng ý cho xây dựng khách sạn có công chứng hoặc chứng thực, và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất của bác bạn.

 

Hãy nhấc máy gọi 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật tốt nhất. TLLAW.VN luôn có đội ngũ luật sư giỏi, luật sư uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao, để được đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

 

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN ”