Nội dung cơ bản về đình công

noi-dung-co-ban-dinh-congTrong các phương thức giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công được coi là phương thức cuối cùng và mạnh mẽ nhất, có tính ảnh hưởng nhất. Trong khoản 1 điều 209 Bộ luật lao động 2012 có khái niệm về đình công như sau:" Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động."

Với khái niệm đã nêu, chúng ta vẫn có thể nhầm lẫn giữa đình công và sự bỏ việc của một tập thể. Để làm rõ hơn về vấn đề đình công và điều chỉnh vấn đề đình công trong lao động, nhà nước đã có những quy định cụ thể, điều chỉnh những nội dung chủ yếu của đình công.

1. Thời điểm phát sinh quyền đình công

     Đình công chỉ xảy ra do việc hòa giải không thành thì theo quy định tại điều 206 BLLĐ 2012, tập thể lao động chỉ được phép tiến hành đình công theo hai trường hợp sau:

- Sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết mà hai bên vẫn còn tranh chấp hoặc hết thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công nếu không yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết.

- Trường hợp Hội đồng trọng tài lao động hòa giải không thành hoặc hết thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết mà Hội đồng trọng tài lao động không tiến hành hòa giải thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.

2.Người lãnh đạo, tổ chức đình công

Đình công là hành động của tập thể lao động, để cuộc đình công không đi sai lệch với mục đích ban đầu, pháp luật yêu cầu đình công phải có đại diện tổ chức, lãnh đạo, vấn đề này được quy định cụ thể tại điều 210 BLLĐ 2012:

- Ở nơi có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo.

- Ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người lao động.

3. Thủ tục tiến hành đình công:

     Để đình công diễn ra một cách hợp pháp, pháp luật có quy định về thủ tục tiến hành đình công tại điều 211, 212, 213 BLLĐ 2012, với các bước như sau:

- Lấy ý kiến tập thể lao động và quyết định đình công:

     Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động lấy ý kiến để đình công, quyết định thời gian và hình thức tổ chức lấy ý kiến để đình công và thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 1 ngày. Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động ra quyết định đình công bằng văn bản và lập bản yêu cầu (yêu cầu đáp ứng hay giải quyết như thế nào) khi có ý kiến đồng ý của trên 50% tổng số người lao động (đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có dưới 300 người lao động) và trên 75% số người được lấy ý kiến (đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có từ 300 người lao động trở lên).

Việc tổ chức lấy ý kiến có thể thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu hoặc lấy chữ ký. Nội dung lấy ý kiến để đình công bao gồm: những vấn đề tranh chấp lao động tập thể đã được cơ quan, tổ chức giải quyết nhưng tập thể lao động không đồng ý; thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công; việc đồng ý hay không đồng ý đình công.

Đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có dưới 300 người lao động thì lấy ý kiến trực tiếp của người lao động. Đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có từ 300 người lao động trở lên thì lấy ý kiến của thành viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở, Tổ trưởng tổ công đoàn và Tổ trưởng tổ sản xuất; trường hợp không có công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của Tổ trưởng, Tổ phó tổ sản xuất.

- Ra quyết định đình công:

     Theo quy định tại điều 213 BLLĐ 2012, khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án của Ban chấp hành công đoàn đưa ra thì Ban chấp hành công đoàn ra quyết định đình công bằng văn bản. Quyết định đình công phải có các nội dung sau đây:

+ Kết quả lấy ý kiến đình công;

+ Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công;

+ Phạm vi tiến hành đình công;

+ Yêu cầu của tập thể lao động;

+ Họ tên của người đại diện cho Ban chấp hành công đoàn và địa chỉ liên hệ để giải quyết.

     Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, Ban chấp hành công đoàn gửi quyết định đình công cho người sử dụng lao động, đồng thời gửi 01 bản cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, 01 bản cho công đoàn cấp tỉnh.

Đến thời điểm bắt đầu đình công đã được báo trước trong bản yêu cầu, nếu người sử dụng lao động không chấp nhận giải quyết yêu cầu thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

- Tiến hành đình công.

     Trên đây là những nội dung cơ bản về đình công được pháp luật quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động 2012 , người lao động cần thực hiện cuộc đình công một cách hợp pháp, đúng theo trình tự thủ tục luật định nhằm đảm bảo quyền lợi đạt được sau khi đình công.

Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luậttốt nhất.

Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN