Tư vấn đòi cọc giữ chỗ căn Hộ

tu-van-doi-coc-giu-cho-can-hoCho tôi hỏi luật sư một việc như sau: Tôi có đặt cọc (đúng ra là giữ chỗ trước khi quyết định đặt cọc hay không) 50 triệu mua một căn hộ. Khi tư vấn, nhân viên sales có nói tôi có thời gian suy nghĩ và có thể lấy lại tiền này nếu không mua.

Nhưng khi mình đưa tiền thì họ yêu cầu mình ký vào 2 loại phiếu thu, trên phiếu thu có ghi "Đặt cọc căn ... dự án ..", một phiếu thu của sàn giao dịch (môi giới), và một phiếu thu của công ty chủ đầu tư. Phiếu thu của sàn giao dịch thì họ đưa mình 1 liên, còn Phiếu thu của chủ đầu tư thì họ không đưa.

Chiều cùng ngày họ yêu cầu mình ký vào Phiếu Đặt Cọc nhưng mình từ chối, vì mình chỉ muốn giữ chỗ trước khi quyết định mua. Mình yêu cầu họ đưa Phiếu Đặt Cọc để mình mang về nhà nghiên cứu kỹ trước khi ký nhưng họ từ chối. Trên Phiếu Đặt Cọc có rất nhiều điều khoản bất lợi cho người mua, cụ thể như không được hủy cọc, không đổi căn.... Tôi không đồng ý ký vào Phiếu Đặt Cọc.

Ba ngày sau mình liên hệ lại họ để lấy lại tiền nhưng họ từ chối. Sàn giao dịch nói là mình đã đặt cọc, và đưa phiếu thu của chủ đầu tư ra. Họ giấu nhẹm Phiếu Đặt Cọc mình chưa ký. Họ nói mình đã ký vào Phiếu thu của Chủ đầu tư, xem như đặt cọc, dù tôi chưa đồng ý và chưa ký vào bất cứ giấy tờ liên quan đến việc đặt cọc.

Mình liên hệ Chủ đầu tư thì họ bảo mình giải quyết với Sàn Môi Giới. Khi liên hệ Sàn Môi Giới thì họ nói liên hệ Chủ đầu tư để giải quyết, vì tiền Chủ đầu tư đã giữ rồi.

Thời điểm mình ký vào Phiếu Thu vì chỉ nghĩ đơn giản mình nộp tiền thì phải ký để biết tiền mình ai giữ. Nhất là thời điểm ký Chủ đầu tư chưa được cấp phép xây dựng.

Tôi như bị ép để mua căn hộ. Họ nói nếu tôi không mua thì mất cọc.

Nhờ Quý luật sư tư vấn.

Chào bạn !

TLLAW.VN xin tư vấn pháp luật tốt nhất như sau:

Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự”. Như vậy, đặt cọc là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó một bên giao cho bên kia một tài sản trong một thời hạn nhất định nhằm xác nhận các bên đã thống nhất sẽ giao kết hợp đồng hoặc đã giao kết hợp đồng và buộc bên phải thực hiện đúng nội dung đã cam kết. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Đặc điểm pháp lý của đặt cọc

Đặt cọc thực hiện hai chức năng bảo đảm: đặt cọc có thể được giao kết nhằm mục đích bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng; cũng có thể nhằm bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng; hoặc nhằm cả hai mục đích trên. Đây là điểm tạo ra sự khác biệt giữa biện pháp đặt cọc và các biện pháp bảo đảm khác. Thông thường các biện pháp bảo đảm khác chủ yếu bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng nhưng biện pháp đặt cọc được giao kết trước hợp đồng chính thức lại nhằm mục đích bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, tránh sự bội tín trong giao kết hợp đồng.

Chủ thể của hợp đồng đặt cọc gồm hai bên: Bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc. Tùy vào sự thỏa thuận của các bên mà mỗi bên có thể là bên đặt cọc hoặc bên nhận đặt cọc. Nhưng thông thường thì bên nào nắm giữ phần tài sản có sẵn như bên có nhà để bán, cho thuê hay bên nào sẽ phải đầu tư công sức tiền bạc để thực hiện công việc nhất định thì sẽ trở thành bên nhận đặt cọc.

Đặt cọc là hợp đồng thực tế. Hay nói cách khác, hợp đồng đặt cọc chỉ phát sinh hiệu lực khi các bên đã chuyển giao cho nhau tài sản đặt cọc

Tài sản đặt cọc mang tính thanh toán cao. Nếu như tài sản cầm cố, thế chấp là bất kỳ tài sản nào đáp ứng được các yêu cầu luật định thì tài sản đặt cọc chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp gồm: tiền, kim khí quý, đá quý hoặc các vật có giá trị khác.

Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản (khoản 1 Điều 358): Cần có sự phân biệt giữa tiền đặt cọc và tiền trả trước: trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hay tiền trả trước thì số tiền này được coi như tiền trả trước.

Như vậy, đặt cọc là một biện pháp đảm bảo ký kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự. Trong trường hợp của bạn là đảm bảo giao kết hợp đồng mua bán nhà ở. Nếu bên nào vi phạm thì sẽ giải quyết theo quy định pháp luật nêu trên. Nếu bạn chưa tìm hiểu rõ các điều khoản của hợp đồng mua bán mà đã vội vàng đặt cọc, sau đó tranh chấp về nội dung thỏa thuận của hợp đồng thì bạn sẽ gặp rủi ro... Về nguyên tắc là khi đặt cọc, bạn phải thỏa thuận kỹ mọi điều khoản trong hợp đồng mua bán đó, vấn đề tiếp theo chỉ còn việc ký hợp đồng và thời gian ký hợp đồng. Nếu có tranh chấp, thay đổi nội dung hợp đồng thì bên nào tuyên bố không giao dịch nữa, bên đó phải chịu rủi ro...

 

Hãy nhấc máy gọi 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật tốt nhất. TLLAW.VN luôn có đội ngũ luật sư giỏi, luật sư uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao, để được đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

 

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN ”